Kiểu tóc của Kim Jong-un lại gây sốt

02:04 |
Kiểu tóc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại là chủ đề nóng của báo giới trong và ngoài Triều Tiên, khi nhiều báo đưa tin về sự nổi tiếng của nó với giới trẻ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và phu nhân Ri Sol-ju trong một chuyến thị sát. Ảnh: Reuters
Choguk, tạp chí của Chongryon, Hiệp hội người Triều Tiên tại Nhật Bản, gần đây đưa tin kiểu tóc ngắn ở hai bên và dài trên đỉnh đầu có tên gọi paeki của ông Kim Jong-un đang rất phổ biến trong giới trẻ Triều Tiên.
Ri Jong Chol, một sinh viên tại Đại học Kim Il-Sung trả lời Choguk rằng diện mạo trẻ trung và năng lực vô hạn của ông Kim Jong-un cuốn hút cậu. Cậu mong muốn có ngoại hình giống ông Kim.
Choson Sinbo, hãng truyền thông thân Triều Tiên của Nhật Bản hồi tháng ba đưa tin kiểu tóc của ông Kim đang được ưa chuộng trên khắp Triều Tiên. Nó không chỉ thu hút sinh viên đại học mà còn cả những người ở độ tuổi trung niên.
Một sinh viên tại Đại học Công nghệ Kim Chaek nói với Choson Sinbo rằng ngoại hình của một người phản ánh thời đại họ đang sống, đó là lý do tại sao nhiều thanh niên Triều Tiên yêu thích kiểu tóc này. 
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng rõ ràng đã tích cực quảng bá kiểu tóc của ông Kim. Tạp chí giáo dục của Triều Tiên, Inmin Kyoyook, gần đây kêu gọi các thầy giáo để kiểu tóc paeki nhằm làm gương cho học sinh.
Nhiều vệ sĩ tháp tùng ba vị lãnh đạo Triều Tiên đến Hàn Quốc hồi đầu tháng nhân dịp lễ bế mạc đại hội thể thao châu Á cũng để kiểu tóc này.
Tuy nhiên, theo The Diplomat, Kang Dong-wan, giáo sư Đại học Dong-A tại Busan, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, tin rằng việc thanh niên Triều Tiên đua nhau "học tập" kiểu tóc của ông Kim có thể chỉ đơn thuần là một hiện tượng văn hóa.
Ông Kim Jong-un sinh năm 1983, ông lên nắm quyền từ năm 2011, khi mới 28 tuổi. Theo ông Kang, vì ông Kim Jong-un trở thành lãnh đạo đất nước ở độ tuổi trẻ như vậy nên thanh niên Triều Tiên có thể muốn sao chép thời trang của ông, giống như giới trẻ trên thế giới thường bắt chước ngoại hình những người nổi tiếng họ thần tượng.
Xem thêm…

NATO liên tục chặn máy bay Nga trên biển Baltic

01:53 |
 
Máy bay trinh sát Ilyushin-20 của Nga. Ảnh: Wikipedia
 
NATO hai lần triển khai chiến đấu cơ trong hai ngày liền để chặn máy bay quân sự Nga trên biển Baltic, trong bối cảnh các báo cáo cho rằng hoạt động quân sự của nước này trong khu vực đang gia tăng.  
Hai chiến đấu cơ F-18 Hornet của Canada hôm 20/10 được triển khai từ căn cứ không quân ở Litva để chặn một máy bay trinh sát Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm qua cho biết. Các máy bay chiến đấu theo dõi chiếc Ilyushin-20 trong khoảng 15 phút. "Ngay sau khi nhận dạng thành công, nhiệm vụ chặn máy bay hoàn tất và hai chiếc Hornet trở về căn cứ", AFP dẫn thông cáo của NATO cho hay. 
Trung tá Robert Gericke, thuộc NATO, cho biết máy bay Nga đã bay ở không phận quốc tế và không xâm phạm lãnh thổ của các nước thành viên liên minh. 
Quân đội Latvia cũng cho biết những chiếc F-16 của NATO hôm qua được triển khai để chặn máy bay trinh sát Ilyushin-20 của Nga trên biển Baltic. Ông Gericke xác nhận các máy bay NATO cũng chặn một máy bay Nga hôm qua, nhưng không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết. 
Những vụ việc tương tự xảy ra trong khu vực vào ngày 7/10 và 11/9, nhưng máy bay Nga không lần nào trở thành mối đe dọa với lực lượng NATO.
NATO có 16 chiến đấu cơ trong khu vực chịu trách nhiệm giám sát không phận ở biển Baltic. Tổ chức này thường triển khai máy bay để nhận dạng "những máy bay không xác định hoặc có thể là kẻ thù" tại vùng lân cận không quận quốc gia. 

Hải quân Thụy Điển 5 ngày qua lùng sục vùng biển ngoài khơi quần đảo Stockholm, biển Baltic để tìm dấu hiệu về một "vật thể đáng ngờ", có thể là một tàu ngầm nước ngoài bị nghi vào lãnh hải trái phép. Cả Nga và Hà Lan đều bác thông tin vật thể là tàu ngầm của họ. 

Vùng biển Baltic. Đồ họa: Britannica
Xem thêm…

Trung Quốc biến Đá Chữ thập thành đảo lớn nhất Trường Sa

01:50 |

Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: SCMP
 
Trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đang ngang nhiên biến Đá Chữ thập thành đảo lớn nhất, và tiếp tục việc biến các đá thành đảo.
SCMP dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho hay Đá Chữ thập hiện có diện tích khoảng 1 km vuông và việc cải tạo đất ở đây có thể vẫn còn tiếp diễn. Quá trình mở rộng đang diễn ra nhanh hơn dự kiến và có khả năng rạn san hô này sẽ còn vượt mặt cả Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa. 
Ba Bình có diện tích khoảng 0,5 km vuông và là đảo duy nhất của Trường Sa có nước ngọt. Đảo hiện bị Đài Loan chiếm giữ trái phép, xây hải cảng và mở rộng đường băng.
Hiện chưa rõ Đá Chữ thập sẽ bị Trung Quốc cải tạo thành đảo lớn như thế nào, nhưng có khả năng nơi này sẽ là một tiền đồn quan trọng cho quân đội và các hoạt động thương mại dân sự. 
Theo Want China Times, từ cuối năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động xây dựng và cải tạo đất phi pháp trên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, trong đó Đá Chữ thập. Đá này nằm cách Trung Quốc đại lục đến 740 hải lý. 
Những hình ảnh trên trang web về không gian địa lý và vũ trụ của Mỹ DigitalGlobe hôm 25/9 cho thấy, diện tích Đá Chữ thập đã tăng hơn 11 lần, từ 0,08 km vuông lên gần 1 km vuông. 
Trung Quốc đánh chiếm Đá Chữ thập vào năm 1988 và hiện đặt nó dưới sự quản lý của cái gọi là "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam. Bắc Kinh đã xây dựng một bãi đáp trực thăng, một bến tàu, một tòa nhà hai tầng, một nhà kính 500 mét vuông và triển khai 200 binh sĩ trên đá này. 
Đá Chữ thập được đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược với Trung Quốc, bởi không có căn cứ nào của nước ngoài quanh nó trong vòng bán kính 70 km.  
Tuần trước, quan chức tình báo hàng đầu của Đài Loan Lee Hsiang-chou cho hay Bắc Kinh đang thi công 7 dự án xây dựng trên Biển Đông và 5 trong số đó được phê duyệt từ khi ông Tập Cận Bình lên làm chủ tịch.
Các nhà phân tích nhận định bằng việc mở rộng các rạn san hô, Trung Quốc đang nỗ lực củng cố sự hiện diện của nước này trên Biển Đông, hòng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền toàn vùng biển này. 
Bộ Ngoại giao Việt Nam đầu tháng 10 một lần nữa khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vì vậy, mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều bất hợp pháp và vô giá trị.
Xem thêm…

Thụy Điển sẵn sàng dùng vũ lực với vật thể bí ẩn dưới biển

01:47 |

Tàu dò mìn HMS Kullen và môt tàu bảo vệ hôm qua tìm kiếm con tàu bí ẩn tại vịnh Namdo, ngoài khơi Stockholm. Ảnh: AFP.

Thụy Điển hôm qua cảnh báo có thể sử dụng vũ lực để lôi vật thể bị nghi là tàu ngầm mini lên mặt nước, sau nhiều ngày tìm kiếm.
Tàu chiến, tàu dò mìn, trực thăng cùng hơn 200 binh sĩ Thụy Điển đã rà soát khu vực cách thủ đô Stockholm khoảng từ 30 km đến 60 km kể từ hôm 17/10 sau khi nhận được thông tin về một "vật thể nhân tạo" dưới nước.
Tư lệnh Tối cao Thụy Điển, Tướng Sverker Goeranson, cho biết "có thể xảy ra hoạt động dưới nước" ở ngoài khơi Stockholm, đồng thời cảnh báo ông sẵn sàng sử dụng "vũ lực" để đưa con tàu bí ẩn lên mặt nước. Thụy Điển hôm 19/10 công bố bức ảnh về vật thể, khả năng cao là một tàu ngầm mini..
"Giá trị quan trọng nhất của hoạt động, bất kể chúng ta có tìm được cái gì đó hay không, là gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng Thụy Điển cùng lực lượng vũ trang của mình sẵn sàng hành động một khi hoạt động kiểu này vi phạm biên giới của chúng tôi", AFP dẫn lời Tướng Goeranson, nói. "Mục đích hiện giờ là buộc thứ đó phải nổi lên mặt nước... bằng vũ lực, nếu cần thiết".
Những báo cáo ban đầu từ truyền thông địa phương cho biết Thụy Điển đã nhận được tín hiệu cấp cứu bằng tiếng Nga, và vật thể có khả năng là một tàu ngầm Nga bị mắc cạn dưới biển. Tuy nhiên, Nga phủ nhận có tàu ngầm trong khu vực, đồng thời chuyển mối nghi sang phía Hà Lan. Amsterdam cũng bác thông tin này, cho biết tàu ngầm của Hà Lan đã neo tại thủ đô Tallinn của Estonia sau khi tham gia tập trận chung với hải quân Thụy Điển.
Đây được coi là chiến dịch quân sự lớn nhất Thụy Điển kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Sự kiện khơi lại những ký ức về sự cố năm 1981, khi một tàu ngầm Liên Xô mắc cạn gần căn cứ hải quân lớn nhất Thụy Điển, gây tranh cãi trên phạm vi quốc tế.
Xem thêm…

Copyright ©THT - Được biên soạn và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau - Ghi rõ nguồn:duy3s.com/ - Khi phát hành thông tin trên trang này
Confession | Namkna | khoa học tâm linh | Kho tài liệu hay |